Áp dụng nghĩa vụ hạn chế thiệt hại của bên bị vi phạm hợp đồng
Nghĩa vụ hạn chế tổn thất được quy định tại Điều 77 Công ước Vienna 1980 về hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế (CISG). Theo đó, một bên viện dẫn vi phạm hợp đồng của bên kia phải áp dụng các biện pháp hợp lý căn cứ vào các tình huống cụ thể nhằm hạn chế tổn thất, kể cả khoản lợi bị bỏ lỡ do vi phạm hợp đồng gây ra. Nếu bên bị vi phạm không áp dụng các biện pháp đó thì bên vi phạm hợp đồng có thể yêu cầu giảm bớt một khoản tiền bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất thiệt hại đáng lẽ đã có thể hạn chế được. Ngoài ra, nghĩa vụ hạn chế tổn thất cũng được quy định trong một số luật mẫu về hợp đồng như Bộ nguyên tắc của Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế 2004, Bộ nguyên tắc luật hợp đồng châu Âu.
Nghĩa vụ hạn chế tổn thất cũng được pháp luật Việt Nam quy định tại Bộ luật dân sự 2015 và Luật Thương mại 2005. Điều 362 Bộ luật dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ ngăn chặn, hạn chế thiệt hại: “Bên có quyền phải áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để thiệt hại không xảy ra hoặc hạn chế thiệt hại cho mình”. Điều 305 Luật Thương mại năm 2005 quy định cụ thể hơn về nghĩa vụ hạn chế tổn thất: “Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất kể cả tổn thất đối với khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra; nếu bên yêu cầu bồi thường thiệt hại không áp dụng các biện pháp đó, bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được”.
Nghĩa vụ hạn chế tổn thất chỉ đặt ra đối với những loại vi phạm mà bên bị vi phạm đã biết hoặc buộc phải biết. Trong trường hợp đó, bên bị vi phạm có nghĩa vụ phải thực hiện các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất do hành vi vi phạm gây ra. Tuy quy định pháp luật đề cập đến việc hạn chế tổn thất là nghĩa vụ của bên bị vi phạm, nhưng không có quy định bên bị vi phạm phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu họ không thực hiện nghĩa vụ này. Mặt khác, bên vi phạm cũng không thể dùng các biện pháp buộc bên bị vi phạm thực hiện nghĩa vụ này. Thay vào đó, bên vi phạm chỉ có thể yêu cầu được giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được.
Vấn đề pháp lý đặt ra là đánh giá biện pháp mà bên bị vi phạm đã áp dụng để hạn chế tổn thất có hợp lý không? Tính hợp lý của biện pháp hạn chế tổn thất dựa trên nền tảng của nguyên tắc thiện chí, thói quen, tập quán, có tính đến sự cân bằng lợi ích của các bên trong giao dịch. Nếu các biện pháp được áp dụng để hạn chế tổn thất là hợp lý thì thiệt hại phát sinh do áp dụng các biện pháp này phải được bồi thường, cho dù trong một số trường hợp, thiệt hại này trên thực tế lớn hơn giá trị thiệt hại lẽ ra bên vi phạm phải chịu nếu không có việc thực hiện nghĩa vụ hạn chế tổn thất. Yêu cầu về tính hợp lý buộc bên bị vi phạm phải thực hiện các biện pháp hạn chế tổn thất với chi phí thấp nhất, có tính đến sự cân bằng lợi ích giữa các bên. Ngoài ra, cũng có trường hợp biện pháp được thực hiện vào thời điểm hạn chế tổn thất được coi là hợp lý nhưng thực tế lại không hạn chế được tổn thất, hoặc hạn chế được tổn thất nhưng với chi phí cao hơn so với dự tính. Tuy nhiên, chi phí do việc thực hiện các biện pháp hạn chế tổn thất vẫn phải được đền bù miễn là các biện pháp hạn chế tổn thất mà bên bị vi phạm đã áp dụng là hợp lý./.
Ngày 11 tháng 07 năm 2022
Trần Thị Thu Trang- Chuyên viên pháp lý