CĂN CỨ ÁP DỤNG VÀ VẤN ĐỀ LỖI CỦA BÊN BỊ VI PHẠM KHI BÊN BỊ VI PHẠM ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG
Đơn phương chấm dứt hợp đồng là một chế tài trong thương mại được quy định dưới tên gọi “đơn phương chấm dứt hợp đồng” theo Bộ luật dân sự 2015 và “đình chỉ thực hiện hợp đồng” theo Luật thương mại 2005. Đơn phương chấm dứt hợp đồng được sử dụng với mục đích chấm dứt hiệu lực của hợp đồng, theo đó các bên trong hợp đồng không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp; bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán phần nghĩa vụ đã thực hiện.
Để áp dụng đơn phương chấm dứt hợp đồng, bên bị vi phạm (với tư cách là bên đưa ra yêu cầu) phải chứng minh các căn cứ sau được đáp ứng: i) Có quan hệ hợp đồng và; ii) Có vi phạm hợp đồng hoặc có thỏa thuận giữa các bên về sự kiện phát sinh quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Căn cứ có quan hệ hợp đồng là điều kiện cần để đơn phương chấm dứt hợp đồng. Quan hệ hợp đồng được hình thành khi giữa các bên i) có sự thỏa thuận và ii) mục đích của thỏa thuận là nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên. Hợp đồng được đề cập trong phạm vi bài viết này để áp dụng đơn phương chấm dứt hợp đồng phải là hợp đồng có hiệu lực (tức là không thuộc trường hợp hợp đồng vô hiệu, hợp đồng không có hiệu lực hoặc hợp đồng không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ).
Về căn cứ có vi phạm hợp đồng của bên vi phạm, không phải mọi vi phạm hợp đồng đều làm phát sinh quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định khác, quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng chỉ được áp dụng đối với vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ (Điều 428.1 Luật thương mại 2005) hoặc vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng (Điều 310.2 Bộ luật dân sự 2015). Điều 423.2 của Bộ luật dân sự 2015 định nghĩa vi phạm nghiêm trọng như sau: “Vi phạm nghiêm trọng là việc không thực hiện đúng nghĩa vụ của một bên đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng”. Điều 3.13 của Luật thương mại 2005 định nghĩa vi phạm cơ bản như sau: “Vi phạm cơ bản là sự vi phạm hợp đồng của một bên gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng”.
Về căn cứ có thỏa thuận giữa các bên về sự kiện phát sinh quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng, các sự kiện này không nhất thiết phải là vi phạm nghiêm trọng hoặc vi phạm cơ bản nghĩa vụ theo hợp đồng. Trên thực tế, các bên thường thỏa thuận việc một bên vi phạm cam đoan và bảo đảm có tính chất nghiêm trọng hoặc cơ bản hoặc không hoàn tất các điều kiện tiên quyết trong thời hạn quy định trong hợp đồng làm phát sinh quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Về vấn đề lỗi của bên bị vi phạm đối với đơn phương chấm dứt hợp đồng, Bộ luật dân sự 2015 và Luật thương mại 2005 không quy định cơ chế giảm trừ trách nhiệm của bên vi phạm trên cơ sở mức độ lỗi của bên bị vi phạm. Theo quan điểm cá nhân của tôi, bên vi phạm có thể trên cơ sở áp dụng tương tự pháp luật để lập luận tại tòa án hoặc trọng tài nhằm chứng minh bên bị vi phạm i) hoàn toàn có lỗi trong việc để xảy ra vi phạm và hậu quả của vi phạm, bên vi phạm sẽ không phải chịu trách nhiệm về vi phạm của mình và trong trường hợp này, bên bị vi phạm không được áp dụng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng (Điều 351.3 Bộ luật dân sự 2015, Điều 294.1 Luật thương mại 2005); hoặc ii) có một phần lỗi trong việc để xảy ra vi phạm của bên vi phạm, bên vi phạm chỉ phải chịu trách nhiệm thực hiện biện pháp khắc phục tương ứng với mức độ lỗi của mình (Điều 363 Bộ luật dân sự 2015).
Ngày 10 tháng 08 năm 2022
Trần Thị Thu Trang