- Bắt đầu từ 01/7/2022, Doanh nghiệp bắt buộc chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử – Hoá đơn giấy sẽ bị “khai tử”.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ kể từ ngày 01/07/2022, toàn bộ doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh sử dụng hóa đơn theo quy định tại Nghị định 51/2010/NĐ-CP bắt buộc phải chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP;
Theo đó, các hóa đơn phát hành theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn kèm theo chỉ có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2022, Từ ngày 01/07/2022 các số hóa đơn đã phát hành theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ còn tồn chưa sử dụng, hết giá trị sử dụng. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ tổ chức, doanh nghiệp và hộ, cá nhân kinh doanh phải lập hóa đơn điện tử gửi cho người mua theo đúng quy định về hóa đơn điện tử tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
Các doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh phải hủy các số hóa đơn điện tử phát hành theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn còn tồn chưa sử dụng; trình tự thủ tục hủy thực hiện theo quy định tại Điều 27 Nghị định 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ và Điều 29 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính.
- Từ 01/07/2022: Chuyển đổi chứng từ khấu trừ thuế TNCN từ giấy sang điện tử.
Kể từ ngày 01/7/2022, tất cả các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân không được sử dụng chứng từ khấu trừ thuế TNCN tự in, hoặc giấy do cơ quan thuế cấp mà phải chuyển sang sử dụng chứng từ điện tử khấu trừ thuế TNCN.
Tổ chức khấu trừ thuế TNCN tự xây dựng hệ thống phần mềm để sử dụng chứng từ điện tử đảm bảo đầy đủ các nội dung bắt buộc theo qui định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Các nội dung của chứng từ phải được thể hiện đầy đủ, chính xác đảm bảo không dẫn tới cách hiều sai lệch để người sử dụng có thể đọc được bằng phương tiện điện tử. (Qui định tại khoản 2,3 Điều 33 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP).
Đối với các số Chứng từ khấu trừ thuế TNCN tự in trên máy tính đã thông báo phát hành với Cơ quan thuế, từ ngày 01/7/2022 các doanh nghiệp, tổ chức phải ngừng sử dụng trên phần mềm và gửi báo cáo tình hình sử dụng chứng từ khấu trừ thuế TNCN kỳ tính thuế Quí 2/2022 đến Cơ quan thuế theo đúng thời hạn qui định.
Đối với chứng từ khấu trừ thuế TNCN giấy được Cơ quan thuế cấp phát còn tồn chưa sử dụng, các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện gạch chéo các liên và kê vào cột xóa bỏ trong báo cáo tình hình sử dụng chứng từ khấu trừ thuế TNCN kỳ tính thuế Quí 2/2022. Hạn nộp báo cáo tình hình sử dụng chứng từ khấu trừ thuế TNCN kỳ tính thuế Quí 2/2022 chậm nhất ngày 30/7/2022.
- Từ 01/07/2022: Tăng tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc.
Nghị định 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2022 và Theo Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 thì mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc tối thiểu quy định như sau:
– Với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường: Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng.
– Với người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề: Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.
– Với người lao động làm công việc hoặc chức danh trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: Cao hơn ít nhất 5% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
– Với người lao động làm công việc hoặc chức danh trong điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
Như vậy, mức lương tối thiểu vùng theo tháng được thay đổi như sau:
Vùng | Mức lương tối thiểu vùng đến 30/6/2022 | Mức lương tối thiểu vùng từ 01/7/2022 |
I | 4.420.000 đồng/tháng | 4.680.000 đồng/tháng |
II | 3.920.000 đồng/tháng | 4.160.000 đồng/tháng |
III | 3.430.000 đồng/tháng | 3.640.000 đồng/tháng |
IV | 3.070.000 đồng/tháng | 3.250.000 đồng/tháng |
Người sử dụng lao động phải thực hiện thủ tục điều chỉnh mức lương đóng BHXH với cơ quan BHXH nếu mức lương của người lao động hiện tại thấp hơn mức lương tối thiểu vùng và thực hiện trước ngày 30/7/2022.
- Từ 01/07/2022: Điều chỉnh mức đóng BHXH vào Quỹ TNLĐ, BNN
Căn cứ theo Nghị quyết 68/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 cho phép người sử dụng lao động (NSDLĐ) được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp áp dụng trong 12 tháng kể từ ngày 01/07/2021 đến hết ngày 30/06/2022.
Như vậy kể từ ngày 01/07/2022 NSDLĐ quay lại mức đóng cũ, mức đóng bình thường vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN như sau:
- 5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH
- 3% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề có nguy cơ cao về TNLĐ-BNN, nếu đủ điều kiện quy định, có văn bản đề nghị và được bộ LĐ-TBXH chấp thuận.
- Tỷ lệ trích đóng BHXH, BHYT đối với người lao động nước ngoài thay đổi từ ngày 01/7/2022
– Từ ngày 01/01/2022 – 30/6/2022 mức đóng các loại bảo hiểm của NLĐ nước ngoài như sau: Người sử dụng lao động: 20%; Người lao động: 9.5%; Tổng cộng tỷ lệ trích đóng BHXH, BHYT là 29.5%
– Từ ngày 01/7/2022 mức đóng các loại bảo hiểm của NLĐ nước ngoài thay đổi như sau: Người sử dụng lao động: 20.5%; Người lao động: 9.5%; Tổng cộng tỷ lệ trích đóng BHXH, BHYT là 30%