SỰ KHÁC NHAU GIỮA CHẾ TÀI PHẠT VI PHẠM TRONG HỢP ĐỒNG THEO BỘ LUẬT DÂN SỰ 2015 VÀ PHẠT VI PHẠM TRONG HỢP ĐỒNG THEO LUẬT THƯƠNG MẠI 2005
- Về căn cứ pháp lý
- Điều 418 Bộ luật dân sự 2015
- Điều 300; Điều 301 Luật thương mại 2005
- Về mức phạt vi phạm
- Căn cứ Khoản 2 Điều 418 BLDS 2015 thì mức phạt vi phạm trong hợp đồng dân sự do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác
- Căn cứ Điều 301 Luật thương mại 2005 thì mức phạt vi phạm trong hợp đồng thương mại do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp phạt vi phạm trong trường hợp giám định sai.
Như vậy, chế tài phạt vi phạm trong hợp đồng dân sự không bị khống chế mà hoàn toàn phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên mà không bị khống chế theo giới hạn của luật định thể hiện nguyên tắc tự do thỏa thuận được ghi nhận trong pháp luật dân sự.
Trong khi chế tài phạt vi phạm trong hợp đồng thương mại bị giới hạn không quá 8% giá trị nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp:
- Trường hợp thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cấp chứng thư giám định có kết quả sai do lỗi vô ý của mình thì phải trả tiền phạt cho khách hàng. Mức phạt do các bên thỏa thuận, nhưng không vượt quá mười lần thù lao dịch vụ giám định.
- Trường hợp thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cấp chứng thư giám định có kết quả sai do lỗi cố ý của mình thì phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho khách hàng trực tiếp yêu cầu giám định.
- Quy định về phạt vi phạm và bồi thường trong hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại.
- Khoản 3 Điều 418 BLDS 2015 quy định: “Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại. Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm”.
- Điều 307 Luật thương mại 2005 quy định vềQuan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và chế tài bồi thường thiệt hại:
“Trường hợp các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.
- Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác”.
Do đó:
- Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 thì bên vi phạm quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dân sự có thể chỉ phải chịu hình thức chế tài phạt vi phạm hoặc có thể chịu đồng thời hai chế tài nếu các bên tham gia vào hợp đồng có thỏa thuận; trong trường hợp không có thỏa thuận về việc bên vi phạm phải chịu đồng thời hai loại chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại thì chỉ được áp dụng chế tài phạt vi phạm đối với bên vi phạm.
Trong khi, theo quy định của Luật thương mại 2005 thì các bên không có thỏa thuận về phạt vi phạm thì các bên tham gia vào hợp đồng vẫn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại; trong trường hợp có thỏa thuận phạt vi phạm trong hợp đồng thương mại thì các bên tham gia trong hợp đồng có thể áp dụng cả hai chế tài là phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại.